RSS

Monthly Archives: Tháng Mười 2013

GIỌT NGẮN GIỌT DÀI

GIỌT NGẮN GIỌT DÀI

Tìm về chốn cũ – Bờ thương
Gió vờn vai mỏng nghe dường như đau
Lưng trời dìu dặt trăng sao
Lung linh huyền ảo – Ngôi nào là em
Trăng ngà chếch bóng hè hiên
Sao em khắc khoải dõi tìm sao anh
Sương rơi vắt vẻo đầu cành
Ai treo hờ hửng sợi tình buồn tênh?
Nửa đời lận đận nhớ quên
Trần ai cuối nẻo chông chênh héo xào
Tóc buồn rối sợi hư hao
Mù xa thăm thẳm, bạc màu nhớ nhung
Mai sau biết có tương phùng
Bão giông mù mịt, chập chùng tuyết sương
Mỏng dầy mấy bận yêu thương
Ngắn dài mấy sợi tơ vương bẽ bàng
 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 27, 2013 in Uncategorized

 

Quế Minh và tôi (Phần cuối)

Quế Minh và tôi (Phần cuối)

Ngày đăng: 18/10/2013 8:28 sáng / ý kiến phản hồi (10)

 “ Hai chỉ vàng” có phải ám chỉ tình bạn tri kỷ bao nhiêu năm chỉ đáng giá bằng 2 chỉ vàng, hoặc nó có một ý nghĩa nào khác , mời đọc giả xem phần dưới đây sẽ rõ .                                                                                                          H1 : Quế Minh và tác giả

Mùa thi năm đó đã mở ra con đường mới cho ba chúng tôi, cả ba đều lên thành phố học, Quế Thanh học vật lý trị liệu, Quế Minh học dược, còn tôi học y. Tình bạn trở nên gắn bó hơn, cùng chia sẻ với nhau sự khó khăn, nổi khốn khổ của đời sinh viên nghèo, học ở xa gia đình.

Mãi đến bây giờ, nhắc đến thời đó, chúng tôi đều nhớ một kỷ niệm nhỏ về tô hủ tiếu , hể ai về thăm nhà có một ít tiền, lúc lên phải bao bạn mình một chầu hủ tiếu; nói một chầu hủ tiếu cho nó oai, thật sự đến ông bác bán hủ tiếu đêm ở bên lề đường Nguyễn Chí Thanh; bán hủ tiếu rẽ tiền cho dân lao động, mỗi lần chúng tôi đến đều kêu tô rẽ tiền nhất 5 đồng, đây một tô toàn nước súp và bánh hủ tiếu không có thịt , tuy không thịt chúng tôi ăn thật ngon miệng. Không ngon sao được, đang ăn cơm với món canh toàn quốc của ký trúc xá ; được bạn đãi một tô hủ tiếu nước súp nóng hổi thì còn gì bằng .

Hình  2

Sau 3 năm học, Quế Minh về tỉnh nhà làm việc ở Xí Nghiệp Dươc Cữu Long, Quế Thanh làm ở bệnh viện đa khoa còn tôi phải tiếp tục ở lại thành phố học nhiều năm nữa . Thế mỗi lần tôi về quê là ngày bạn bè tương hội, nhà của bạn tại thị xã nên tôi về ghé ở đó trước; mỗi lần như vậy tôi được bác gái và Quế Thanh nấu những buổi ăn ngon, được dịp thưa chuyện cùng bác trai . Bác thường đưa tôi vào mãnh vườn nhỏ ở trong Cầu Kè, bỏ hằng tiếng đồng hồ ngồi kể chuyện, bác kể cho tôi nghe mọi thứ chuyện trên đời, kể về nghệ thuật trồng cây, và cuối cùng là than phiền về Quế Minh. Bác kể Quế Minh đi làm thì thôi, về nhà lao đầu vào những quyển sách, những lo chai thí nghiệm, không biết phụ em út một tay, không biết ngôi nói chuyện cùng cha mẹ, thế là phải góp ý với bạn . Mỗi lần ghé thăm, lúc ra về bác trai đều chuẩn bị những trái cây ngon nhất mà bác trồng được cho tôi mang về nhà, đem trái cây về vườn không khác nào mang củi về rừng, tôi phải mang về vì đây là tình cảm của bác ưu ái dành cho tôi không thể từ chối .

Còn Quế Minh sau khi ăn cơm chiều xong, bạn dẫn tôi vào xí nghiệp nơi bạn đang làm, bạn cho tôi xem và giải thích những công trình nghiên cứu mà bạn đã thực hiện được. Nhờ những thí nghiệm những nghiên cứu nầy giải quyết nhiều khó khăn cho của xí nghiệp dược phẩm, và cũng nhờ đó bạn được Bạn giám đốc giao trông coi phòng kỹ thuật pha chế thuốc, đây là công việc thường chỉ dành cho những dược sĩ đạị học .

 

 

Hình  3

Rồi có một lần, tôi về ghé thăm, Minh không đề cập đến việc làm nữa, bạn kể cho tôi nghe về một cô gái tên Tiên; cô nàng này không biết có đẹp như tên gọi không, sao anh bạn tôi mê mệt, bỏ nhiều tâm quyết để vượt qua rào cản của gia đình . Tiên quê ở xã Tân Long Hội, huyện Măng Thích, lên làm dược tá là lính của Quế Minh, hai người quen nhau rồi yêu nhau . Tiên có người cô sống ở chợ Vỉnh Long , biết rõ gia đình Minh, thấy gia Minh nghèo có nhiều em còn nhỏ , người cô đó thương Tiên, sợ cháu mình về làm dâu sẽ khổ , nên có ý cản ngăn, tác động đến gia đình Tiên để cùng nhau phản đối . Minh muốn được gia đình Tiên chấp nhận, can đảm xuống tận nhà, trình bày về tình cảm của hai người với hy vọng tình yêu chân thành tha thiết của hai người sẽ cảm hóa được gia đình, nào ngờ mới đề cập đến hai người YÊU NHAU thì bị gia đình nàng phản đối kịch liệt. Nghe Minh kể đến đây, tôi không kiềm chế được nữa, phải mở miệng cười .

– Sao cậu cười! Đâu có cái gì để mà cười !

– Không cười sao được , cậu chỉ biết có nghiên cứu mà không biết về giao tiếp xã hội, trong bụng nghĩ sao thì nói toẹt ra như vậy .

– Tại sao cậu nói vậy!

– Cậu không biết ở dưới quê, hai người tự ý hò hẹn nhau, người cho là chuyện không đàng hoàng, người ta ngại dùng chữ yêu nhau trước mặt người lớn hoặc đám đông .

– Vậy dùng từ gì?

– “Quen nhau”, cậu chỉ dùng chữ quen nhau người ta đã hiểu ngay, đằng nầy giữa mặt người lớn mà cậu kể chuyện tình yêu một điều cấm kỵ, cậu làm như vậy là làm mất mặt gia đình nàng, bị phản ứng như vậy là còn quá nhẹ .

– Không nhẹ! Phản ứng dữ dội lắm tại cậu không biết, nhất là khi tớ đề cặp đến hôn nhân .

– Cậu đề cặp  hôn nhân luôn à

– Đúng rồi! Tình yêu chân chính phải đi đến hôn nhân. Tớ xuống đó để xin phép cưới Tiên làm vợ, không nói về hôn nhân thì làm sao cưới vợ cho được .

– Minh ơi! Quả thật cậu không biết gì hết . Hôn nhân là vấn đề quan trọng, ở dưới thôn quê những gia đình mẫu mực, hôn nhân phải được người lớn hai bên thảo luận trước, cậu thuộc hàng con cháu lại dám nói hôn nhân với người lớn là việc làm vô phép, không tôn trọng người lớn, bên đàn gái tưởng rằng cậu khi dễ, đương nhiên là nổi giận rồi .

– Như vậy tớ sai nữa rồi phải không?

– Đương nhiên!

– Hèn chi bên gia đình nàng bảo tớ đừng nói gì thêm, và chỉ muốn nói chuyên với ba má tớ .

– Rồi cậu có đưa hai bác xuống không?

– Tớ thấy không xong, phải đưa ông ba xuống .

– Hai bác xuống rồi kết quả ra sao ?

– Cậu biết đó ba má tớ nói tiếng Việt không thông, nói ra nhiều từ bên đàn gái không hiểu, ngược lại bên nàng nói nhiều câu sâu xa ba má tớ không hiểu, hai bên không hiểu nhau làm sao thông cảm, vả lại có người cô thứ ba của nàng cố ý cản ngăn .

– Khó khăn như vậy cậu tính sao!

– Đâu có tính sao! Phải tiến tới thôi! Tớ và Tiên đã yêu nhau rồi , dù trời có sập xuống, bọn tớ cũng quyết làm đám cưới . Biết hè nầy cậu làm gì cũng ghé thăm tớ, Tiên bảo tớ mời cậu xuống thăm nhà cô ấy một chuyến , cậu sống dưới quê, gia đình Tiên cũng ở dưới quê, chắc ít hay nhiều cậu cũng hiểu được, cậu đi một chuyến giúp bọn tớ xem sao .

– Nghe bạn nói như vậy tôi đồng ý, rồi chúng tôi mua trà rượu viếng thăm. Đến nơi thấy ngôi nhà tam giang to sừng sửng, bên trong trang trí đồ cổ quý giá theo xưa, đóan biết đây là một gia đình lễ giáo nha phong làm cho tôi hồi họp, đã xuống đến nơi rồi phải tùy cơ mà ứng biến .

Qua cách đón tiếp, tôi biết ngay bà nội là tổng chi quy của gia đình, ba Tiên là người con có hiếu, mẹ Tiên là dâu thảo , ba má Tiên thương mến Minh, nhưng quyết định là nằm trong tay bà nội. Trước khi xuống tôi đã tìm hiểu, gia đình Tiên là một gia đình giữ lễ nghĩa truyền thống, được xóm làng tôn trọng, nhất là bà nôi . Đến gặp mặt bà tôi vô cùng kính nể, một bà bác có một phong thái uy nghi , lời nói cử chỉ của người đứng đầu một dòng họ, có uy tính cả làng . Không biết được tổ đải hay chăng, những lời tôi nói được bà nói thương mến, được các cô các bác đón nhận . Nội vui vẻ nắm lấy tôi, dắt vào ngồi bàn giửa, ngồi chung với những bậc tiền bối để thưa chuyện . Quả thật tiền hung hâu kiết, lúc đầu hồi họp lo sợ, nhưng sau lại vui vẻ quá chừng, được gia đình Tiên làm tiệc linh đình hậu đãi . Mãi về sau, và về sau nữa, nội thường nhắc đến tôi khi Quế Minh và Tiên vể thăm bà .

Minh ít nói, thời gian của bạn phần lớn dành cho công việc, vậy mà về tình cảm bạn qua mặt tôi, bạn có người yêu và tiến đến hôn nhân; còn tôi chưa có cuộc hẹn hò; nói không thì không đúng, tôi có cảm tình với một cô gái, nàng cũng hẹn hò với tôi , khi đến nơi nàng có lý do chính đáng để nàng từ chối và tất cả năm lần, tôi không có cơ hội trao đổi tình cảm với nàng dù một lần , chưa hề nói một tiếng yêu. Minh biết chuyện nầy bạn bảo tôi tình yêu đôi khi không cần phải nói ra , điều nầy tôi không đồng ý với bạn, nên lần thất hẹn thứ năm tôi đã nói với nàng tôi không hẹn nữa và tình bạn của chúng ta vẫn mãi là tình bạn. Quả như vậy chúng tôi luôn giử tình bạn đó đẹp và trong sáng cho đến bây giờ .

                                                               Hình 4

Ngày tôi ra trường về bệnh viện đa khoa Vỉnh Long cũng là giai đoạn Quế Minh chuẩn bị hôn sự, qua ba năm làm việc bạn đã để dành một số tiền đủ để cưới vợ, trước khi đám cưới bạn lại muốn làm đám cưới lớn tổ chức long trọng hơn, tìm đến nhờ tôi hỏi mẹ tôi mượn 2 chỉ vàng .

Tình bạn tương trợ nhau trong học tập, giúp nhau xây dựng sự nghiệp, cũng phải hổ trợ nhau để kiến tạo hạnh phúc gia đình . Được bạn nhờ như vậy lòng tôi mừng vô kể ; khổ nổi mới ra trường không có một đồng dư, phải đành vể mượn vàng của mẹ . Mẹ tôi lúc đó cũng chẳng khá là mấy, mẹ đang mất lòng tin về con người; nguyên sự , mẹ đem người cháu con người chú ruột về nhà nuôi cho ăn ở rất tử tế, khi ra đi bao nhiêu lượng vàng không cánh mà bay biến đi đâu hết, thời buổi khó khăn, tần tiện lắm mới sắm vài ba chỉ, nay hỏi mượn cho bạn hai chỉ không biết mẹ có bằng lòng không, hỏi một chỉ thì chắc được, , nghĩ như vậy tôi đành dùng hạ sách nói dối .

– Mẹ ạ! Minh muốn mượn mẹ một chỉ vàng để cưới vợ .

– Mẹ tôi không cần suy nghĩ trả lời ngay:

– Minh là người bạn giúp con rất nhiều, nay bạn cưới vợ ,con nên giúp lại là đúng

– Thế là mẹ tôi đồng ý cho mượn một cách dễ dàng, nếu biết như vầy tôi đã hỏi mượn luôn 2 chỉ, lỡ rồi phải làm theo kế hoặch đã định.  Mẹ cũng biết tôi sắp xuống Trà Vinh làm việc nên tôi lai nói tiếp:

– Còn con xuống Trà Vinh làm việc, mẹ cũng cho con một chỉ để phòng thân .

– Nghe cũng có lý mẹ liền trao cho tôi 2 chỉ , tôi giao trọn nó cho Quế Minh .

Sau đám cưới Minh tôi về Trà Vinh làm việc được một vài tuần, sở y tế mời về Vỉnh Long họp, họp xong tôi định ghé qua nhà Quế Minh ở một đêm, hôm sau mới trở về lại Trà Vinh; nhưng chợt nhớ bạn mới làm đám cưới, trong giai đoạn ngọt ngào, mình đến bạn hỏi đi đâu thì khó trả lời đành về quê xa thăm mẹ . Chắc mẹ cũng muốn gặp lại mình để tìm hiểu nơi làm việc mới, bất ngờ mình xuất hiện chắc mẹ vui, nào ngờ gặp lại, mặt mẹ chứa đằng đằng sắc khí, giống như hồi tôi còn nhỏ mỗi khi phạm tội, mẹ bảo tôi vào nhà trong hỏi chuyện, tôi mới ngồi xuống ghế mẹ liền giảng bài học đạo đức, mẹ nói:

– Con à! Trong nhà thì có anh em; ra ngoài thì có bạn bè . Con với thằng Minh là bạn thân tình nhiều năm, tại sao chỗ bạn bè mà con tính toán qua vậy .

Tôi không hiểu mình phạm lỗi gì tự nhiên mẹ giận, càng không hiểu sao mẹ nói vậy, đành hỏi:

– Thưa mẹ , mẹ nói con không hiểu, con đâu có tính toán gì ?

– Con lấy cho Minh mượn một chỉ vàng phải không?

– Dạ Phải

– Cách đây vài hôm Minh có dẫn vợ xuống thăm mẹ , có mang trà rượu bánh trái để cám ơn, lúc ra về trả vàng cho mẹ.

Nghe mẹ kể Minh mang vàng trả làm tôi điếng người, tôi dự tính khi bạn trả , tôi sẽ mang về đưa cho mẹ và kể lại hết mọi chuyện cho mẹ nghe. Nay bạn tự ý mang trả , mẹ biết hết sự thật rồi đành im lặng nghe mẹ kể tội .

–  Minh trả đúng lúc,  mẹ đang cần tiền để sắm ghe cho anh con đi buôn, sẳn có vàng trả mẹ đem qua bán cho cô Bảy, cô Bảy không chịu mua vì thấy chỉ vàng kích thước là lạ lại móp méo, mẹ đành đem lên chợ Giảng để bán, lúc họ cân đo không phải một chỉ mà là hai chỉ . Vậy con có giao kèo gì không, sao bạn mượn một nay trả thành 2 .

Thế tôi phải kể lại sự thật cho mẹ nghe , mẹ nghe xong mẹ hiểu được lòng tôi nên hết giận, rồi mẹ dạy tiếp:

– Đây cũng đều may cho mẹ và hên cho con, nếu cô Bảy chịu mua,  mẹ mất đi một chỉ vàng, một chỉ vàng chẳng đáng là bao; nhưng giữa con và cháu Minh dễ xẩy ra chuyện hiểu lầm , tình bạn có thể bị lung lay. Đây cũng là một bài học,  con có được người bạn như cháu Minh là trời đã thương tình  ban cho con một thứ quý giá, con phải biết gìn giử .

Viết đên đây tôi chợt nhớ lại, ngày xưa Quế Minh mượn 2 chỉ vàng sau đám cưới không bao nhiêu ngày hoàn lại, vậy đâu phải mượn vàng để cưới vợ, chắc bạn mượn để lấy hên, để được may mắn . Quả thật may mắn  đến với bạn, từ ngày lập gia đình bạn sống rất hạnh phúc , sinh được hai đứa con ngoan, và trở nên làm ăn khá giả, giàu có , gia tài của bạn hiện nay nhân lên không biết bao nhiêu lần của 2 chỉ vàng .

                                                           Hình 5

Một điều đáng đề cập đến về sự nhẫn nại và sự kiên trì của Minh, sau nầy khi có điều kiện bạn thi một lần nữa để đậu đại học dược . Với học vị nầy sẽ mở ra một chân trời mới cho bạn, tiếp tục thí nghiệm, tiếp tục nghiên cứu đóng góp cho ngành dược , chế những thuốc với phẩm chất cao để góp phần chữa bệnh cho bà con .

Thời gian trôi qua bao nhiêu năm làm cho hình hài thay đổi , đầu tôi đã hói, tóc Minh đã bạc, nhưng tình bạn vẫn còn nguyên vẹn trong lòng . Trước đây trong sổ thực tập tôi ghi chữ Quế Minh, ngày nay trong email của tôi có chữ Minh, tên các con tôi cũng có chữ Minh . Chữ Minh đã dính liền vào đời sống của tôi, gắn liền với sự nghiệp với tình cảm, Minh là tên của người bạn mà tôi trân trọng trong đời .

  Võ Châu Phương

Hình 6

Bài này đã được đăng trong Chuyện cũ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

//

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 27, 2013 in Uncategorized

 

Quế Minh và tôi (kỳ 4)

Quế Minh và tôi (kỳ 4)

Ngày đăng: 30/09/2013 9:08 sáng / ý kiến phản hồi (6)

    Quế Minh và tôi là một truyện dài của Võ Châu Phương, được nhiều bạn đọc theo dõi vì sức hấp dẫn của nó. Đây là  Phần 4: Những Ân Nhân được tác giả vừa mới viết xong. Xin giới thiệu cùng bạn đọc (SOS)

Bữa tiệc chia tay

Quyết định khó, thực hiện lại khó hơn, nhiều khó khăn không lường được, có những chướng ngại cứ ngở không thể nào vượt qua, thế mà với sự giúp đở của bạn bè, thầy cô và anh chị em tôi tiến về phía trước.

Đôi khi cũng tự hỏi, có phải kiếp trước cha mẹ ăn ở có đức, nên kiếp nầy tôi hưởng được ân huệ, hoặc do bản thân, hằng đêm vào chùa Sơn Thắng gõ mỏ tụng kinh lạy Phật gần cả năm nên luôn gặp may mắn, mỗi lần gặp bế tắt không thể đi tiếp thì xuất hiện một quý nhân hổ trợ, chuyển những khó khăn thành những thuận lợi.

Đời nầy tôi có nhiều ân nhân, những người thương yêu tôi, đã giúp đở chân thành, những công ơn đó tôi không thể nào đền đáp hết đựợc; nay mượn bài viết nầy nhắc đến như một lời tri ơn, với hy vọng qua trang mạng tph-vinhlong.com mang những dòng chữ nầy, những tình cảm nầy đến những người bạn, những người thầy. Cũng xin cám ơn bạn đọc khi phải đọc một bài viêt lượm thượm với những câu chuyện xa xưa.

Khó khăn đầu tiên ở trường cao đẳng sư phạm, trong thời kỳ đó, trường bỏ kinh phí cho việc đào tạo mỗi giáo sinh*, phát học bổng, lương thực nhu yếu phẩm hàng tháng cho học sinh, không theo học tiếp tục phải bồi hoàn. Bồi thường là lẽ tất nhiên tôi không ngại; chỉ lo trường cấm thi như nhiều học sinh đã gặp phải. Có phải may mắn không, trường hợp của tôi trường giải quyết theo một hướng khác, ban tổ chức nhận đơn và hẹn ngày giờ trở lại để ban giám hiệu họp sẽ có quyết định. Đúng ngày tôi đến, được ban giám hiệu đón tiếp nồng nhiệt và vui vẻ; trao giấy quyết định cho nghỉ không bồi hoàn, lại còn cung cấp thêm một tháng tiền học bổng, hơn nữa không có cấm thi lại. Nhận giấy tờ xong, đến lớp để giả biệt, trên đường đến trong lòng có nổi băng khoăng không biết các bạn nghĩ thế nào về việc mình bỏ học; dù có trách hờn, hoặc hờ hửng cũng muốn gặp những khuôn mặt thân quen một lần cuối. Thật bất ngờ, lớp đã chuẩn bị một buổi tiệc chia tay, một buổi chia tay đầy cảm động, đầy tình nghĩa, mà tôi vẫn nhớ đến bây giờ. Mãi hằng chục năm sau, khi tôi xuất hiện trên trang mạng TPH một số bạn còn nhắc đến bài thơ ” Hoa cam” tôi đã ngâm trong buổi tiệc ấy.

Ra khỏi lớp, anh Hoàng lớp trưởng kéo tôi về nhà, anh bảo với tôi: “Đại tẩu và một số bạn muốn gặp mặt em”. Đến nơi mới biết còn một buổi tiệc nữa, đây là tiệc tiển đưa bằng nước mắt quê hương( rượu), tham dự có thầy chủ nhiệm, thầy dạy môn toán, các bạn nồng cốt của lớp. Một số bạn không gặp mặt ở lớp, không ngờ có mặt ở đây, các bạn đó đến nhà anh Hoàng từ sớm để chuẩn bị; “đại tẩu”, vợ của anh Hoàng trổ tài nấu thịt cầy, chị nấu món nầy quá ư là tuyệt. Nếu lúc đó tôi có tửu lượng như anh Cả, hoặc như anh Hoàng Hưng thì vui biết làm sao, rượu thịt thật ê hề, trong không khí tình nghĩa, thế chỉ vài ba chun tôi đã say quên cả lối về.

                         Ngọc Thanh (người đứng bìa phải)

Nợp đơn thi lại là chuyện thông thường; nhưng không dễ đối với tôi, đến Ban Tuyển Sinh* tĩnh mới hay ra thời hạn nợp đơn còn lại chỉ 3 ngày, và ban tuyển sinh không còn một mẩu đơn nào. Không có đơn làm sao đi thi được, lỗi do mình đến trể, đành lẳng lặng đến thăm Quế Minh trước khi về Mỹ An. Gặp tôi Minh liền hỏi :

– Cậu nộp đơn chưa? sắp hết thời hạn !

– Đâu có đơn đâu mà nộp!

Minh mở to đôi mắt nhìn tôi hỏi:

– Lá đơn tớ đưa cho cậu đâu?

– Tớ đã đã đưa cho cô bạn!

– Trời đất! Cô ấy là gì của cậu, sao câu lo cho cô ta quá vậy !

Trả lời làm sao với bạn đây, cô ấy không là gì tôi cả, từ lúc học chung, chúng tôi trao đổi không bao nhiêu lời, ngay buổi chia tay cô cũng không nói một lời nào; bài thơ “Hoa cam” hầu hết nữ sinh trong lớp yêu cầu tôi cho mượn để chép, còn cô ấy thì không.

Minh thấy tôi im lặng, bỏ lên gát nhỏ chắc bạn đang thất vọng cho mình; khi quay lại với vẽ mặt hớn hở vui vẻ.

– May cho cậu! Còn một mẩu duy nhất.

Để khỏi sai sót tôi điền ngoài giấy nháp, Quế Thanh em trai của Minh viết chữ rất đẹp điền vào bản chính.

Điền xong đơn, tranh thủ về xã nhà chứng nhận, đến ủy ban không có ai,  tôi lo lắng, càng lo lắng hơn hôm sau là ngày chúa nhật. Những ai đã từng đi chứng giấy tờ thì biết, trong đơn dự thi có phần lý lịch, để xác minh, chính quyền thường yêu cầu một vài ngày. Trong bế tắt nầy, tôi nhớ đến anh Nguyễn Ngọc Thanh, người bạn học chung lớp, sau khi tốt nghiệp cấp 3 anh về làm việc tại ủy ban xã. Thế là sáng sớm chúa nhật, tôi tìm đến anh, đang lúc anh làm ngoài ruộng, nghe tôi nhờ khẩn cấp, anh bỏ hết công việc để giúp cho. Nhờ sự giúp đở của anh, tôi nợp đơn không trể, còn được anh đánh máy tặng một bản nhạc ” Vỉnh Long quê ta”, và bao một chầu hủ tiếu.

Còn việc đồng án cũng gặp nhiều thuận lợi, tôi muốn kết thúc chuyện đồng án cho thật sớm nên cực lực làm, sáng ra đồng thật sớm, mãi đến mặt trời lặng mới về, người cô thứ tư và những đứa em con của các chú thấy vậy đến giúp một tay. Các Anh chị nghe tôi nghỉ học lo cho mùa màng, cùng vợ cùng chồng không gọi mà về giúp cho người em. Hơn 40 công ruộng chẳng mấy chốc đất đã dọn xong và xạ lúa; thế yên tâm giao cho người chị thứ 8 chăm lo, tôi lên tỉnh quyết chí học hành.

Trong thời gian tôi về quê làm ruộng, Minh trên nầy tập hợp được nhiều bạn cũ hình thành 2 nhóm để học luyện thi, một nhóm học môn toán do thầy Ngô Quang Vỹ dạy, nhóm học hóa do thây Phan Văn Dũng, trong nhóm học môn hóa có Mỹ Hà, cô đã trở thành bs nha khoa, và hiện có phòng mạch ở thị xã Vĩnh Long.

Học sinh ở trường ai cũng biết thầy Vỹ, cách dạy của thầy các bạn cũng biết hết; nhưng các bạn khổng thể tưởng tượng thầy dạy tuyệt vời như thế nào ở một trình độ cao cho những nhóm luyện thi. Một điều may mắn cho việc học thêm, chúng tôi không những học được với thầy Vỹ, mà con được học với thầy Dũng dạy hóa. Bấy lâu nghe thế hệ đàn anh nói về thầy Dũng, nay học rồi mới biết, thầy có quá nhiều kinh nghiệm cho việc dạy luyện thi.

Một điều thuận lợi cho tôi, hai nhóm học luyện thi tổ chức tại ngôi nhà tôi trọ. Đây là ngôi nhà do cô Quang dạy sử thương tình giới thiệu với bạn của cô cho tôi ở. Nói là ở trọ, thật sự tôi không khác nào chủ nhà, một ngôi nhà rộng mênh mông đầy đủ tiện nghi chỉ có tôi và em Hồng Châu con của chủ nhà cùng ở, còn toàn bộ gia đình em về quê, sống ở Cầu kè. Chính ngôi nhà nầy tôi có cơ hội gần gủi với Thầy Vỹ, thầy Dũng; thầy Vỹ lúc nào cũng đến sớm, có lúc thầy chép bài sẳn trên bảng, có lúc thầy kể chuyện đời cho tôi nghe, toán có chỗ nào thắc mắc, thầy giải đáp tận tình. Chính ngôi nhà nầy tôi đã từng ăn những bữa cơm ngon do cô Quang nấu, nghe những lời dạy bảo đầy lòng thương yêu của  cô, chẳng khác nào lời của mẹ hiền.

Tuy bắt đầu trể, đựợc giúp đở tận tình của Quế Minh, nhất là đọc được những lài liệu luyện thi mà bạn đã bỏ công tìm kiếm bấy lâu, tôi được trang bị với một trình độ mới. Thời gian học cũng chẳng là bao phải tranh thủ và tận dụng hết, ngay cả lúc cơ thể mệt mỏi cũng phải học, lúc đó thích hợp cho sự trao đổi thảo luận giửa hai người bạn. Những đêm cúp điện cũng là những đêm ôn bài, Quế Minh và tôi gặp nhau, một người đặt câu hỏi một người giải đáp, qua hỏi đáp mới tìm ra những yếu kém, những thiếu sót trong kiến thức cần phải trao dồi thêm.

Hôm đi thi chúng tôi đến ở tại ký trúc xá Đại Học Tài Chánh với Nguyễn Anh Kiệt, đây là người bạn học chung lớp, anh đã thi đậu vào trường Đại Học với lần thi đầu. Quế Minh và tôi, hai thí sinh đi thi với tài chính eo hẹp, đến nương náo với anh chàng sinh viên nghèo, ông bà ta có câu ” Lá lành đùm lá rách”, trường hợp của chúng tôi ” lá rách đùm lá toe tua” .

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ sự chiêu đải của bạn hiền, Anh Kiệt vừa đi học vừa lo nấu nướng cho buổi cơm chiều cho chúng tôi, không có củi, Kiệt phải tháo vạc giừong thậm chí lấy sách cũ ra nấu cơm, còn cho ăn cơm với trứng vịt. Ăn trong trong cảnh đèn lờ mờ vì điện yếu, còn nghe nhạc mùi do những anh bạn chung phòng của Kiệt hát, tiếng vang còn lớn hơn ca sỉ dùng micro. Chúng tôi vừa ăn vừa nói đùa

– Kiệt, lần nầy chúng tớ có thi rớt là do bồ đó!

– Tại sao?

– Bồ đem sách nấu cơm, mấy cái chữ nầy vào trong bụng, lúc thi nó tuôn ra thì chắc rớt, làm sao đậu cho được khi thi y khoa trả lời toàn là kinh tế tài chính.

Anh Kiệt, Quế Minh nghe hết câu nói, mới biết tôi đùa nên cười ngắt nghẻo. Kiệt liền lên tiếng:

– Đúng là Văn Chín, lâu rồi mới nghe lại sự pha trò của bạn hiền.

Nghe Kiệt nhắc đến hai chữ bạn hiền, tôi lấy làm vui trong lòng, và pha trò tiếp:

– Bọn mình cũng nghĩ Kiệt là bạn hiền mới đến nhờ, giờ khám phá ra là không phải !

Minh không biết định đùa cái gì nữa nên lên tiếng:

– Tại sao cậu nói vậy!

– Đi thi người ta kiên cử ăn trứng vịt, sợ làm bài 0 điểm, thế mà Kiệt đem trứng đải bọn mình, vậy làm sao gọi là bạn hiền.

Thật ra chúng tôi chẳng kiên cử điều gì, một sinh viên nghèo như Kiệt, ở ký trúc xá thường ăn cơm với món canh toàn quốc; (quốc là nước , tô canh toàn là nước chỉ có vài tép mở nôi lều bều nên sinh viên gọi như vậy) Kiệt đải trứng là quý lắm rồi.

( Còn Tiếp)

                                                                            Võ Châu Phương

———————————————

@ Giáo sinh*  những học sinh theo học những trường Sư Phạm

@ Ban Tuyển Sinh* Một nơi trung gian giữa những trường đại học, trung học với học sinh. Kết quả kỳ thi trường đại học thông báo trực tiếp đến ban tuyển sinh, đâu xong muốn đi học được cũng thông qua ban tuyển sinh. Học sinh thi lại nhận và nợp đơn nơi đây, học sinh phổ thông nhận đơn ngay trường đang học.

 

//

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 27, 2013 in Uncategorized

 

Quế Minh và tôi Phần 3: Một quyết định khó

Quế Minh và tôi Phần 3: Một quyết định khó

Ngày đăng: 19/09/2013 10:30 sáng / ý kiến phản hồi (6)

      H1: buồn

Minh và Tôi là hai con chim non mới tập bay,  không hiểu trời cao biển rộng, cứ ngỡ đôi cánh của mình đủ sức  bay đến đến những chân trời  mơ ước, qua thử thách rồi mới biết sức lực của mình còn non nớt.

Ngày đi thi vui như đón hội mùa xuân, ngày trở về ảm đạm như mùa đông của vùng bắc cực, mang khuôn mặt của những người vở mộng.

Thấy bạn buồn tôi càng buồn hơn, buồn hay vui kết quả cũng đã định, thôi hãy thay đổi không khí, kẻo chuyện thi cử ảnh hưởng đến tâm trạng bác trai, người đặt nhiều niềm tin ở hai chúng tôi.

– Cậu có định đi tìm thầy cũ không ?

Câu hỏi nầy Minh hiểu ý tôi muốn đề cập đến ai, bạn lắc đầu.

– Không!  Tớ đã quên rồi !

Minh biết tôi làm bài cũng chẳng được mấy, tâm trạng cũng đang não nề  nên tìm lời an ủi:

– Nếu có  thời gian cho luyện thi, chắc cậu làm bài tốt hơn !

– Không đâu Minh! Cho dù có thêm 5 tháng hoặc hơn nữa, kết quả không thay đổi là bao.

– Sao cậu bi quan vậy!

– Đó là sự thật,  chúng ta không học ở thầy, không có  tài liệu, không có sách luyện thi,  chỉ với những quyển sách phổ thông thì không cách nào  đậu được đại học .

– Ừ ! Cậu nhận xét đúng! Lên thành phố rồi mới biết không khí thi cử, chỗ nào cũng thấy dán quảng cáo dạy luyện thi, ở sạp báo nào cũng thấy bán sách, tài liệu để  luyện thi; trong khi đó chúng ta không có gì cả .

Mùa thi năm đó tôi rớt đại học chuyển vào trường cao đẳng sư pham ban toán lý, còn Minh quyết tâm mài kiếm thêm một lần nữa cùng anh hùng thiên hạ hơn thua một trận cho thỏa chí tan bồng .

Thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau, Minh kể về số bạn bè cũ, kể không khí học hành thi cử, có ý muốn tôi tham gia, mỗi lần như vậy tôi phớt lờ đi. Tôi đã thỏa nguyện vào trường cao đẳng, làm nghề thầy giáo, dạy cho các em học cũng là niềm hạnh phúc. Hơn nữa, tôi muốn ra trường sớm để cưới một người vợ, cùng với vợ lo cho mẹ; mẹ tôi cứ lúc ốm lúc đau từ khi ba mất.

Ngày ban tuyển sinh phát đơn thi, Minh mang đến cho tôi, bạn vừa khuyên vừa nói khích; một lần nữa tôi từ chối làm cho bạn thất vọng . Thấy những lá đơn trên tay Minh, tôi chợt nhớ một người bạn đang học chung lớp, từ ngày vào học cao đẳng bạn không có một nụ cười, có lần cô tâm sự, cô không muốn học trường nầy, sẳn đơn Minh mang đến, lấy đưa cho cổ, chắc cô ta vui mừng lắm.

– Thôi cậu đưa cho tớ đi .

– Không thi, cậu lấy làm gì ?

– Có cô bạn, cô ấy muốn thi!

Minh nổi giận, đưa đơn cho tôi, rồi lặng lẽ ra về. Tôi mang tờ đơn đưa cho chị Thu Ba, học sinh cũ 12C6 nhờ chị trao cho người bạn đó với hy vọng cô ấy sẽ đi được con đường mà cô cảm thấy vui.

     H2: Trường CAO DANG SU PHAM

Khác với người bạn ấy, từ khi đặt chân vào trường Cao Đẳng, tôi say mê tham gia hoạt động cho trường cho lớp, được giáo sinh các khóa quý trọng, các bạn trong lớp thương mến bầu làm lớp phó học tập, ban giám hiệu tinh tưởng giao các phong trào thi đua. Tôi cố gắng làm tốt mọi mặt, là một giáo sinh gương mẩu, không nghỉ học, không đi trể về sớm; thế mà một hôm tôi biến mất làm cho các bạn chung lớp lo âu.

Đã lâu, mẹ tôi không được khỏe, nào ngờ mẹ lại bịnh nặng như vậy, mẹ cố tình che dấu bệnh, một mặt không muốn các con lo lắng, mặt khác không muốn tốn tiền chửa bệnh khi gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính. Khi biết đươc bệnh tình của mẹ, tôi không thể nào ngồi học, không để mẹ bỏ anh em tôi mà đi theo ba; phải chửa bệnh cho mẹ bằng mọi giá.

Qua những ngày đi chửa bệnh, tôi gặp bs Yến, một bác sỉ mang đến cho tôi một hình ảnh đẹp về người thầy thuốc, bà có tư cách và phẩm chất rất cao, lại có tấm lòng thương bệnh nhân. Tôi mơ ước trở thành một thầy thuốc như bs Yến để giúp người; chỉ là mơ, một giấc mơ xa vời vợi không thể đạt được. Bác sỉ Yến chẩn đoán và phẩu cho mẹ tôi, từ đó về sau mẹ không còn đau bụng và rong huyết nữa, sống khỏe mạnh đến ngay mẹ về đoàn tụ với ba.

Nghỉ học vừa để đưa chửa bệnh cho mẹ, vừa chuẩn bị cho vụ mùa, tranh thủ trở lại trường để xin phép nghỉ tiếp, nhà trường cảnh cáo nếu nghỉ thêm sẽ bị đuổi học và bồi thường tiền. Trước hoàn cảnh gia đình, trước con đường tương lai gặp gềnh khó đi, tôi có tâm trạng không vui tìm đến Quế Minh tâm sự, bạn liền bảo:

– Cậu hãy nghỉ học trường cao đẳng, cùng với tớ đi thi.

– Tớ cũng có ý định xin nghỉ, nhưng tạm nghỉ một mùa, còn đi thi không.

– Cậu quả thật một con người bất bình thường!

– Không phải đâu Minh, tớ không thể một người hai mặt, mặt nầy làm đơn xin nghỉ vì hoàn cảnh gia đình, còn mặt kia nợp đơn thi lại.

Nghe đến đây bạn tố mắt nhìn tôi, lớn giọng hỏi:

– Nghe kể có thời gian cậu ở chùa Sơn Thắng!

– Đúng rồi! Ủa ! Đang nói chuyện nầy, sao bạn bắt sang chuyện nọ.

– Theo tớ, cậu nên ở luôn trong chùa, cạo đầu làm thầy tu, con người của cậu luôn tuân giử giới luật, chắc đi tu sẽ thành chánh quả. Cậu ra chùa làm chi, cái gì cũng sợ, việc gì có chút mạo hiểm thì không dám làm.

– Lương tâm không cho phép, vả lợi thời gian chẳng còn là bao, làm sao học để có khả năng thi đậu.

– Cái lương tâm cậu đặt không đúng chỗ, tóm lại cậu không dám thi lại vì cậu nhát gan và sợ thi rớt. Nếu bác trai biết con người của cậu như thế  chắc bác không đặt tên cậu là Võ Văn Chín, mà đặt cho cậu Võ Văn Nhát; cậu bên ngoài ăn nói nghe rất hùng hồn, trong lòng lại nhát gan và sợ sệt; gặp người con gái đáng yêu cậu sợ không dám trỏ tình, chưa đi thi cậu đã sợ rớt; luôn bị chữ sợ thì đời nầy cậu làm được việc chuyện gì!

Nghe Quế Minh nói tôi là thầy tu, còn chê tôi nhút nhát khiến máu nóng của tôi nổi lên, hơn nữa bạn dám sửa đổi tên do cha mẹ đặt, khiến ruột gan tôi thiếu điều lộn lên đầu, không thể nào thảo luận được, tôi bỏ ra về.

Về đến nhà, không biết nét mặt của tôi lúc đó như thế nào, mẹ tôi nói:

– Bộ trường đuổi học rồi sao! Mặt con như người đưa đám tang ?

– Dạ không. Nhà trường cho biết, nếu con nghỉ thêm, trường sẽ đuổi học và thường tiền.

– Vậy con nên đi học lại, bỏ đi một mùa vụ, gia đinh ta cũng không chết đói!

– Ruộng đã chuẩn bị gần xong, chỉ cần 8 đến 10 ngày thì có thể sạ lúa*, nếu con bỏ ngang cỏ sẽ mọc lên, mùa sau dọn làm lại không dễ.

Sáng khi đi có nói với mẹ sẽ  vô nhà Minh,  nên mẹ hỏi:

–  Ba má của Minh có khỏe Không con?

Nghe mẹ nhắc đến tên Minh cơn bực bôi vẫn còn, tôi bỏ đi, mẹ kêu lại hỏi:

– Con với thằng Minh có chuyện à?

– Dạ không! Nó muốn con thi lại, con không đồng ý, nó hạ bệ con!

Mẹ tôi suy nghĩ một hồi rồi nói:

– Minh có ý muốn con thi lại, đó là ý tốt, con hãy cân nhắc cho kỹ mà quyết định, để khổi ân hận trong cuộc đời.

    H3:  NHỚ BẠN

Tôi lúc đó mang tâm trạng của một học sinh  đã nghỉ học một thời gian, tuy trong lòng nhớ trường lớp, nhớ bạn bè,  và nhớ cô ấy thật là nhiều; nhưng nghĩ quay lại học cảm thấy ngao ngán làm sao, nào là phải chép bài cho những ngày vắng mặt, phải hỏi thầy cô bạn bè cho những phần không hiểu, bao kiến thức đã bỏ qua, chắc phải học thua cô ấy. Nghĩ đến phải học thua cô ấy, bằng cái tính ngạo mạng háo thắng của con người tôi lúc đó không cho phép. Khi đó tôi mới hiểu và thông cảm cho những bạn, học sinh vì hoàn cảnh gia đình phải thường siêng nghỉ học, rồi sao đó muốn bỏ học, bỏ học không đồng nghĩa bạn đó không muốn học; nghỉ học không phải bạn đó không yêu trường lớp bạn bè, nghỉ học vì bạn cảm thấy chới với trong bài vở, cảm thấy lạc lõng trong lớp, với mặt cảm học không theo kiệp bạn .

Tôi quyết định nghỉ học, và thi lại; dù trường cao đẳng có yêu cầu bồi thường, vụ mùa nầy cũng dư để trang trãi bồi thường và sinh hoạt trong gia đình. Chỉ cần cực lực làm việc mất một tuần đến 10 ngày thì lúa sẽ sạ, sau đó công việc đồng áng chẳng là bao, tôi sẽ dành nhiều thời gian cho việc luyện thi.

Có phải chăng đây là cơ hội, mà đời người gặp chẳng mấy lần, cứ lo sợ thất bại thì bao giờ mới có thành công như lời khuyên của bạn.

 Võ Châu Phương

( Những hình minh họa lấy tử internet)

Sạ lúa*, ở mỗi địa phương có cách thức khác nhau, ở quê tôi thời đó chuẩn bị đât cho việc sạ lúa là một công việc mất nhiều công sức và thời gian. Đất phải cầy bừa rồi trục, làm cho mãnh đất không còn cỏ không còn có gốc gạ, biến lớp mặt của mảnh đất là một lớp sìn bùn và bằng phẳng lúc đó mới thả hạt giống xuống.

//

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 26, 2013 in Uncategorized

 

Chuyện tình trên chuyến đò

Chuyện tình trên chuyến đò (Quế Minh & tôi K2)

Ngày đăng: 27/08/2013 12:29 sáng / ý kiến phản hồi (12)

   Từ khi Quế Minh và tôi trở thành đôi bạn thân, đi và về lúc nào cũng bên nhautrao đổi với mọi thứ, chia xẽ với nhau mọi thông tin, lúc đó tôi mới biết rõ về người bạn nầy, mặc dù điểm kiểm tra trong lớp không đạt đến thóp như một số bạn, nhưng kiến thức của bạn ở một số lĩnh vực thật là sâu, và tôi đã học hỏi nhiều điều ở Minh, nhất là ý chí phấn đấu vươn tới.

Sự cùng nhau học tập làm hai chúng tôi đều tiến lên, Minh dưới sự giảng dạy hấp dẫn của thầy Ngô Quang Vỹ dần dần trở thành cao thủ môn toán, sự tiến lên ngoạn mục nầy trong đó có Kim Oanh, Anh Kiệt, Út Phạm,Tống Dũng… Riêng Tống Dũng chắc có gớp phần của cô lớp phó học tập Yến Chi do thầy Dương Tấn Đệ sắp xếp, nàng kèm cho chàng và sau nầy trở thành một mối lương duyên tốt đẹp của lớp 12C3, khi thầy Đệ còn sống, mỗi lần nhắc đến hai học trò yêu quý nầy,thầy Đệ rất là vui và lấy làm tâm đắc.

Bạn bè trong lớp cho Quế Mình là một học sinh im lặng ít nói, sự thật Minh không ít nói, nếu rà đúng tầng số, đúng đài bạn ấy nói không không ngừng nghỉ, có những lúc bạn kể cho tôi hằng tiếng đồng hồ về chuyện Tùy Đường, Hán Sở Tranh Hùng, hoặc chuyện khoa học viễn tưởng, bạn ấy còn vẽ những bức tranh rất là nghệ thuật.

Dần dần tôi quen hết những người trong gia đình của Minh, khi hiểu biết về gia đình bạn, tôi càng thân với bạn, tôi đem lòng quý trọng bác gái, một người mẹ làm tất cả cho đàn con, cho gia đình. Gia đình Minh nghèo lại đông anh em, sống chủ yếu dựa vào gánh hàng xôi bánh, bác gái gánh đi bán mỗi buổi sáng, đây là một nghề để mưu sinh không dễ, nhất là những ngày mưa gió, những lúc đội trật tự ngăn cấm không cho vào chợ bán, bác đã gồng gánh hết mọi chuyện khó nhọc trên đôi vai cho anh em Minh có bữa ăn, có áo mặc và tất cả được đi học. Bác muốn các con bác đi học, có kiến thức, có hiểu biết, có cơ hội thay đổi cuộc sống, chắc chính thấu hiểu được hy sinh cao cả của người mẹ, Minh đã cố gắng học, rèn luyện ý chí mà đã vượt qua những khó khăn thử thách sau nầy.

Sau những năm tháng dành dụm, hai bác mua được miếng vườn nhỏ trong Cầu Kè, ngày khai mương đầu tiên có tôi tham dự, chắc Minh tin tưởng tôi nông dân thứ thiệt rành về bắt cá nên đã rũ tôi; không ngờ qua bữa đó tôi trở thành con của hai bác và người anh của đám em của minh. Một ngày tát mương bắt cá thật là vui, chiều đó tôi cùng ăn bữa cơm với gia đình bạn do hai bác nấu, một thật là ngon khó quên trong đời. Bấy lâu tôi thắc mắc về ông kỹ sư đống tàu học ở Pháp về mở công xưởng gần Cầu Kè, không biết điều gì khiến anh  kỹ sư chịu đến ngồi nhà lá lụp xụp của Minh để ăn cơm trưa. Bây giờ tôi mới biết hai bác có cái tài nấu ăn, chính thức ăn ngon đã chinh phục ông ta, và tư cách của hai bác là những đóa hoa sen thơm ngát trong đầm lầy đã làm ông ta thêm kính trọng. Từ cái hôm tham gia cùng gia đình Minh khai mương bắt cá, hai bác cho tôi là con người chất phát thật thà, tính tình vui vẻ nên thương mến, bác gái dần dần dành tôi một tình cảm của một người mẹ, nhìn tôi với đôi mắt ấm áp thương yêu trìu mến mà tôi không thể nào quên được ; bác trai không biết xem tôi như thế nào, có chuyện vui buồn đều kể cho tôi nghe, có món nào ngon cũng để dành, còn đề nghị dạy võ cho tôi.

Thi xong tốt nghiệp phổ thông, học sinh ai nấy cũng tranh thủ học ngày học đêm để chuẩn bị cho thi đại học; Minh lại nhà trọ tìm tôi mấy lần không được, nay bất ngờ tôi xuất hiện, anh nổi giận :

– Cậu tưởng cậu giỏi lắm sao! Không thấy cậu học hành gì hết! Hồng Đức, Yến Chi học giỏi như vậy còn tìm thầy dạy luyện thi, còn cậu về quê thì mất biệt.

Minh biết tôi mổi lần về dưới quê thì không học được, ngày thi đai học cận kề, thấy tôi có vẽ lơ là việc học nên bạn nóng lòng; Minh đâu có biết ba tôi đang bệnh năng, ông không đi được, cần một thanh niên có sức lực như tôi mới đưa đi khám bệnh được.

– Minh ơi! Ba tớ bệnh nặng phải lo chữa bệnh.

– Ủa! Bác bị bệnh à! Bệnh của bác sao rồi?-

– Ba của mình không xong rồi! Đang nằm phòng cấp cứu của bệnh viện, bác sỉ bảo không sống được!

– Vậy sao cậu không ở bệnh viện !

– Tớ xuống Vũng Liêm tìm người anh đang dạy học, cho anh biết tìn, đi xa cần có thẻ học sinh, tớ để nó ở nhà trọ.

Minh lấy xe đạp của tôi, chở dùm từ nhà trọ ở phường Năm ra bến xe, trên đường đi kể cho bạn nghe nghe chuyện đưa ba đi khắp nơi chửa bệnh, từ thuốc nam đến thuốc tây; những nổi khốn khó của người đi chửa bênh, và  nổi bất mãn  những người làm nghề thầy thuốc.

– Minh ơi! Ba tớ muốn tớ trở thành một thầy thuốc.

– Cậu trả lời sao với bác.

– Tớ chỉ im lặng!

Quả đúng như lời nói của bs, ba tôi sau vài ngày đã giả biệt cổi đời nầy, trước mùa thi năm ấy, hôm tiển đưa ba đến nơi an nghỉ cuối cùng có Quế Minh, có Bá Trí và một số bạn khác trong lớp. Sự ước muốn của ba trở thành lời trăn trối, mà tôi là đứa con bất hiếu không thực hiện được, tôi không thể nào thi vào ngành y trở thành thầy thuốc khi đã nợp đơn vào trường đại học bách khoa ngành cơ khí .

Sau ngày mở của mả, tôi được mẹ và anh chị em trong nhà khuyên nên trở lại lo chuyện thi cử, thế mang bao đau buồn lên tĩnh, để cùng Quế Minh quyết lòng học hành, chuẩn bị cho kỳ thi. Qua những ngày học quên ăn quên ngủ, hai chúng tôi nhen nhóm những hy vọng trong đầu, Minh sẽ có cơ hội đổi đời để bác gái đở phần cực nhọc, còn tôi mơ sẽ trở thành kỹ sư chế tạo những máy xới, máy cày thích hợp trên đồng ruộng VN hơn những chiếc máy cày đang nhập từ Nhật.

Ba của Minh biết tôi là con cá ở trong ao, là ông táo chỉ ở trong bếp, chưa bao giờ ra khỏi tỉnh Vỉnh Long, nên bác đề nghị đưa hai đứa tôi đi thi, bác bảo tôi không phải lo gì cả, đường xá nơi ăn ở lúc đi thi bác sẽ lo.

Đi thi đại học, cũng là cái dịp cho anh chàng nhà quê như tôi đến Sài Gòn, niềm tin thi đậu, và sẽ biết thành phố thiên đường mà bấy lâu chỉ nghe kể làm những nỗi buồn những mệt nhọc trong tôi tan biến, tôi bây giờ cảm thấy hâm hở, háo hức của một chàng mang đầy niềm hy vọng.

Với tâm trạng đó, mắt tôi nhìn mọi vật mang một màu hồng, mọi thứ chung quanh đều đáng yêu, tôi bất chợt phát hiện một thiếu nữ trẻ, có khuôn mặt kiều diễm, dễ thương trông rất hiền thục đang ngồi đối diện ở trên chuyến đò từ Vỉnh Long đến thành phố. Thú thật từ nhỏ đến lúc đó tôi chưa quen được một cô nào dể gọi là bạn gái, nay thấy thiếu nữ nầy tôi có ý định làm quen, ít nhất cũng để lại một kỹ niệm của một chuyến đi xa. Đã dự tính như vậy trong đầu, quay sang Quế Minh xem anh ta có phản ứng thế nào khi ngồi đối diện với người đẹp; chớ từ ngày biết Quế Minh, bạn chưa hề đề cặp đến chuyện trai gái, chưa bao giờ nhìn một cô gái nào. Tôi không tưởng tượng nổi đôi mắt của Minh như dính chặt khuôn mặt của cô ta, không tin tưởng vào cặp mắt của mình nữa, phải kiểm chứng:

– Minh! Cậu định làm quen với cô ta à!

– Ừ!

Cô gái kia có sự thu hút lạ, khiến người bạn tôi đã mạnh dạn xác nhận không chút ngại ngùng, rồi bạn lại nói:

– Cô ta dường như là con gái của ông thầy cũ, tớ gặp hồi học cắp 2.

– Ô ! Con của thầy cũ à ! Vậy là may mắn !

Hai đứa tôi là hai thanh niên khỏe mạnh chưa có người yêu, đang vào lứa tuổi tràn đầy sức sống nhin một thiếu nữ trẻ đẹp có những hảo cảm như vậy là một chuyện bình thương. Thấy Minh gật đầu thừa nhận tôi đành phải rút lui và tìm cách hổ trợ cho bạn quen cho được người đẹp . Tôi đành mời bác trai lên mui đò, ở đó vừa thoáng mát, vừa ngắm cảnh vật hai bên bờ sông cũng dịp nghe bác kể chuyện hồi trai trẻ . Hai bác cháu ngồi nói chuyện đến giờ ăn trưa mới quay xuống gặp Minh, tôi hỏi xem có hy vọng không, Minh trả lời:

– Sắp được!

Nghe hai chữ sắp được, tôi mừng thầm cho bạn và nể phục, thường ngày anh tỏ ra kém giao tiếp, không ngờ gặp người đẹp thì lại khác, đúng với câu bà con dưới quê thường nói: “lù khù vác lu chạy”. Ăn xong hai bác cháu tiếp tục lên mui tàu một già một trẻ nói chuyện mãi không dứt, còn Minh thỉnh thoảng cũng chạy lên, trời nhá nhem tối, tàu sắp cặp bến hai bác cháu xuống, gặp Minh tôi hỏi nhỏ:

– Cô ấy tên chi?

– Tớ không biết!

Nghe Minh trả lời tôi hiểu ngay câu chuyện, anh chắc chưa nói một lời nào, cho dù một câu chào hỏi thông thường . Quan sát thấy cô ấy đi một mình, đồ đạt lại nhiều, tôi ra vẽ như người có kinh nghiệm nói với Minh

– Cô ta đi có một mình, cậu hãy giúp cô ấy và sẳng hỏi tên và địa chỉ

Minh nhìn tôi có một chúc lưỡng lự, tôi hiểu ý bạn;

– Cô ta cần sự giúp đở của cậu, đồ đạt ở đây có tớ đủ sức lo rồi!

Thế Minh giúp thiếu nữ đó mang đồ đến tận xe xich lô ở bến đò ,cũng chả mở lời được một câu nào, tôi rất thông cảm cho bạn, chỉ có nữa ngày làm sao bạn làm sao quen được một thiếu nữ kiều diễm trông đoan trang như vậy. Trong kinh nghiệm tình trường, bậc đàn anh chắc có anh Hoàng Hưng, còn niên khóa 79 chỉ có bạn Đỗ Thành Triều mới có bản lĩnh chỉ cần nữa ngày thì làm quen được người đẹp . Còn phần tôi xin chịu thua, ngày học cấp ba tôi có để ý một nữ sinh chung trường, hơn một năm rưởi mà tôi không nói được một lời để một hôm gặp cô ta đi cùng một bạn học ở ngoài đường phố Vỉnh Long, hai người đi bên nhau trông thật mùi mẫn làm cho tôi đau khổ hết mấy tuần lễ . Từ đó lòng tôi băng lạnh, chỉ biết có học mãi đến khi đi đò này thi tình cơ gặp thiếu nữ nầy có khuôn mặt giống nàng nên có chút xao động nhất thời .

Hôm nay kể lại chuyện đi thi cùng Quế Minh, cũng nhớ lai tình yêu đơn phương của thời cấp sách, để ý cô ấy, cô ấy nào hay biết, cũng để kỹ niệm cho sự ngây ngô nầy tôi cũng đã viết một bài thơ cách đây rất nhiều nhiều năm, nay ghi lại nơi đây.

Lỡ cuộc tình

Chiều tan học, theo em về phố nhỏ,

qua sạp rau, chợ cá, bến đò.

Tuổi mộng mơ, mơ mộng chưa hẹn hò,

lòng xao xuyến, khi đò kia xa bến.

Trời nắng tắt, dòng sông yêu yên lặng,

Ta qyay về nhà trọ một mình ta.

Những đêm dài, nằm mộng dưới hoa,

goi tên em, em ơi em đâu biết.

Mái trường buồn, bạn bè xa cách biệt,

phương trời nào, em hởi em ở đâu?

Lòng nhớ nhung, tìm đến bến tàu,

Nhìn nước chảy, ta cúi đầu rơi lệ

Chuyện ngày xưa, chuyện chưa hề nói,

lở cuộc tình, để nước cuốn trôi.

Mong mai đây, cho đến cuối cuộc đời,

Mơ được gặp một lần người em nhỏ.

( còn tiếp)

Võ Châu Phương

//

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 26, 2013 in Uncategorized

 

Quế Minh và Tôi phần 1

Quế Minh và Tôi

Ngày đăng: 13/08/2013 8:34 chiều / ý kiến phản hồi (14)

Ai lớn lên miền sông nước Nam Bộ, mê cải lương đều biết tên Quế Minh, cô con gái suy tình người mông cổ trong tuồng cải lương “Kiếp Nào Có Yêu Nhau”; người bạn thân tôi tên ấy .

Trong những năm con sinh viên cuốn sổ tay ghi chép trên lâm sàng, ở một gốc của trang đầu có ghi hai chữ “ Quế Minh”, ai xem cuốn sổ ấy cho rằng đây là người yêu của tôi . Đến khi gặp được người con gái tôi yêu, nàng cũng thắc mắc về cái tên nầy, nàng hỏi tôi có phải người yêu đầu đời không, sao trân trọng như vậy, để nàng khổi nghi ngờ và giúp nàng hiểu một phần quá khứ về cuộc đời, tôi đã kể lại cho nàng nghe tình bạn của những ngày dưói mái trường. Quế Minh là thằng bạn, ở một gốc cạnh nào đó còn hơn là người yêu; bạn bè thường dùng từ ” bồ bịt” để chỉ nam nữ đang cặp với nhau, cũng có cái nghĩa hôm nay là bồ ngày mai lại ” bịt”, hoặc ” thương ghét” hôm nay thì thương ngay kia trở thành ghét, những từ ngữ này để nói lên những mối tình sáng nở tối tàn; còn Quế Minh là một tình bạn sẽ mãi mãi ở trong tôi.

Quế Minh và tôi học chung lớp từ năm lớp 10 ở trường cấp ba Lưu Văn Liệt, do cá tánh trái ngược, nên lúc đầu chúng tôi chỉ quen biết nhau thông thường như bạn bè khác trong lớp . Nói đến bạn ấy chắc nhiều học sinh trong trường và thầy cô không biết đến, còn trong lớp đương nhiên là biết nhưng ít được bạn bè quan tâm. Thầy cô thường để ý những học sinh học giỏi hoặc là học rất kém, còn các cô nàng nữ sinh thường để mắt đến những học sinh nổi bậc như anh chàng đẹp trai Võ Trọng Nhân, hoặc anh chàng có cái dáng cao ráo phong độ như Trần Văn Bình, hoặc chịu chơi và hào hoa phong nhả như Vỹ Kiệt; phần lớn bạn bè trong lớp lại mến cách ăn nói khôi hài vui vẻ của Thanh Phong, Ngọc Long, hoặc nửa chính nửa tà của anh chàng Thông đang sống bên nước Úc.

Quế Minh không không có những mặt nổi bật trên, cũng không phải là học sinh phá quậy để thầy cô nhớ đến, Minh là một học sinh im lặng trong lớp, luôn tuân theo luật lệ trường lớp, không có thầy cô nào than phiền, không mất lòng một bạn nào, giờ học rất nghiêm chỉnh, không bỏ học, không đi trể về sớm.

Hai chúng tôi, tuy đi và về chung một con đường, nhưng ít khi trò chuyện, Minh sống nội tâm, bạn ấy có một thế giới riêng khó hiểu; tôi là ngưòi sôi nổi, thích hoạt động, tôi muốn kéo bạn ấy ra khổi ốc đảo huyền bí khép kín, nhưng không có cách nên đành im lặng đi bênh nhau. Rồi một hôm trên đường đi học về Minh nói với tôi:

– Tớ có việc nhờ cậu giúp đỡ .

Tôi mừng trong bụng, cái chàng ít nói khó hiểu nầy sao nay lại lên tiếng, anh ta chưa bao giờ nhờ mình một điều gì, nay lên tiếng nhờ giúp đở, đây là chuyện lạ, chắc cầu Thiềng Đức sắp sặp chăng.

– Minh cần mình giúp chuyện gì?

– Có một thí nghiệm, tớ làm đi làm lại không ra kết quả theo lý thuyết, tớ thấy cậu cũng giỏi môn vật lý, nắm vững bài được thầy Tám, thầy Thông và cả thầy Năng chú ý đến, nên tớ muốn tham khảo với cậu.

– Được! Minh muốn lúc nào?

Minh yên lặng đôi phút, dường như có sự tính toán gì đó, rồi nói:

– Sáng thứ bảy khoảng 8 giờ sáng tại nhà tớ.

– Được! Nhà bạn ở đâu?

– Trong một hẻm nhỏ ở bên phải đường vào Cầu Kè, cách dốc cầu mười mấy thước, cậu cứ đi vô, tớ sẽ đón cậu ở đầu hẻm.

Minh nói thí nghiệm làm tôi ngạc nhiên và hiếu kỳ, không biết anh nói làm thí nghiệm là thí nghiệm gì, ngay cả trong trường không có phòng thí nghiệm, cũng không ai nhắc đến hai chữ thí nghiệm. Các bạn còn nhớ không, trong chương trình học từ lớp 6 đến lớp 12 đều có vật lý và hóa học; nhưng mấy ai trong chúng ta được thấy thí nghiệm, còn riêng bản thân chưa thấy cũng chưa làm. Nhắc đến thí nghiệm tôi bỗng nhớ thương đến thầy Đường Minh Phương và những thầy cô dạy môn hóa học, thầy cô phải dùng lời lẽ khô cả cổ họng để minh họa cho những phản ứng hóa học thay cho phòng thí nghiệm. Không thể nào quên được thầy Tám, thỉnh thoảng thầy làm những mô hình để minh họa cho bài giảng vật lý, không phải là thí nghiêm, chỉ mô hình thôi, thầy đã làm bạn tôi say mê yêu thích môn vật lý. Minh đề cặp đến thí nghiệm làm cho tôi háo hứng, và trông chờ để thấy bạn làm như thế nào.

Đúng hẹn Minh đã chờ tôi ở đầu hẻm ở phía bên đây Cầu Kè, đây là xóm nghèo phường Năm với những ngôi nhà lá lụp xụp, Minh đưa tôi vào nhà, trong nhà không có ai, chắc hôm đó anh đã biết mọi người đi vắng nên mới đưa tôi vào . Anh đã chuẩn bị mọi thứ cho cuộc thí nghiệm, một thao mủ đựng nước, một bịt muối, môt thanh đồng ( anot), thanh bằng than ( Catot) làm hai điện cực

Trước khi vào thí nghiệm anh hỏi tôi lý thuyết điện phân dung dịch muối ăn, mục đích thí nghiệm nầy Minh muốn chế nước Javen để bán lấy tiền, hôm đó chúng tôi cũng lần lượt tiến hành; nhưng không làm được nước javen như mong đợi, tuy vậy cảm thấy rất là lý thú. Sau đó chúng tôi còn làm những thí nghiệm về điện, có những lần chúng tôi tiến hành trong điều kiện thiếu thốn và không an toàn, điện chạm xẹt, ánh sáng túng tóe khắp nơi, may là không cháy nhà chỉ đứt cầu chì.

Những thí nghiệm thời đó Minh và tôi làm, không ra kết quả mong đợi, qua những lần tranh luận trao đổi, chúng tôi trở thành đôi bạn thân lúc nào không hay và vô tình tôi đã phát hiện một con người rất thích hợp cho công việc thí nghiệm và nghiên cứu sau nầy.

( Còn tiếp)

                                                       Võ Châu Phương

//

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 26, 2013 in Uncategorized